Du lịch hứng đòn, 2 kịch bản hồi phục
Đóng cửa thị trường Trung Quốc, vốn chiếm hơn 30% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, khiến lượng khách đến từ thị trường khách bằng 0. Chưa kể dòng khách đi qua Trung Quốc tới Việt Nam, khách quốc tế e ngại tới châu Á và hạn chế đi du lịch; Việt Nam không đưa/đón khách từ vùng dịch, tạm dừng tất cả các lễ hội... Tất cả khiến cho hoạt động du lịch đình trệ.
Tổng cục Du lịch nhận định, 3 tháng tới, thiệt hại với ngành du lịch sẽ rất trầm trọng. Khách quốc tế có thể giảm 3,7-4,7 triệu lượt, khách nội địa giảm 10,9-15,3 triệu lượt. Ước tính, tổng thiệt hại từ thị trường khách quốc tế, nội địa là khoảng 5,9 đến 7,7 tỷ USD.
Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc, khách du lịch giảm 90-100%. Với 1,7-1,9 triệu lượt, với mức chi tiêu bình quân 1.021 USD/lượt, chúng ta sẽ thất thu từ 1,8-2 tỷ USD.
Du lịch lễ hội vắng khách do dịch bệnh Covid-19 (ảnh minh họa)
Có hai kịch bản về khả năng du lịch hồi phục được đưa ra.
Thứ nhất, nếu dịch kết thúc vào cuối tháng 3, các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4. Thời điểm này, du lịch trong nước chuẩn bị vào mùa nên ngành du lịch cần kích cầu thúc đẩy người dân đi du lịch, đồng thời xúc tiến đẩy mạnh đi du lịch nước ngoài để bù đắp những tổn thất kể từ đầu năm.
Thứ hai, ngành du lịch dự báo khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6. Để thị trường tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm đón khách quốc tế, từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021, thì trước đó, từ tháng 4-9, hoạt động quảng bá xúc tiến cần đặc biệt chú trọng.
Cũng có khả năng xấu hơn là dịch Covid-19 sớm nhất sau mùa hè này mới được đẩy lùi hoàn toàn, như vậy phải đến quý 4, các hoạt động du lịch mới có thể trở lại. Riêng du lịch nội địa có thể hồi phục ngay khi vào mùa, mà cao điểm là từ cuối tháng 5.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, để khôi phục du lịch sau khủng hoảng, thông thường thị trường quốc tế mất nhiều thời gian hơn thị trường nội địa. Song, tâm lý chung là khách sẽ đi du lịch trở lại khi dịch bệnh đã qua đỉnh hoặc có vaccine phòng chống.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận xét: “Khi dịch qua đi là thời kỳ phát triển bùng nổ của du lịch. Với kinh nghiệm đối phó dịch SARS năm 2003, ngay lập tức du lịch Việt Nam đã áp dụng chương trình kích cầu và có sự tăng trưởng đột phá sau đó. Thông thường, thị trường nội địa sẽ hồi phục nhanh nhất. Thị trường quốc tế phải mất 3-6 tháng mới hồi phục, nếu khai thác thị trường mới phải mất 3 năm”.
Còn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhìn nhận: “Thời điểm dịch đang diễn ra là khoảng lặng để ngành du lịch tìm ra cơ hội mới, vượt qua dịch bệnh thì nhu cầu du lịch của người dân sẽ tăng mạnh”.
Kích cầu, đón dòng khách nội địa bùng nổ
Sau Tết thường là mùa du lịch lễ hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh Covid-19, tránh tập trung đông người, các lễ hội bị tạm dừng, thậm chí có thời điểm một số di tích, danh lam thắng cảnh còn đóng cửa. Thế nên, du lịch lễ hội ảm đạm, thưa vắng khách, nếu không nói là gần như bất động.
Song, khi dịch qua đi, du lịch nội địa sẽ hồi phục sớm nhất và nhanh nhất. Do đó, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho rằn, cần đưa ra ngay các giải pháp ưu tiên để thúc đẩy thị trường này.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch kết thúc. Trong đó, sẽ có các liên minh kích cầu toàn quốc với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng không, khách sạn, vận chuyển, lữ hành, nhà hàng, cơ sở mua sắm lớn,... Các bên tham gia kích cầu phải đưa ra mức giá giảm cụ thể, cam kết về chất lượng. Các địa phương cũng cần kiểm soát chặt hoạt động du lịch, không “chặt chém”, nâng giá, ép khách, không kỳ thị khách.
Hàng không vắng khách vì khách hạn chế đi du lịch. Ảnh chụp chuyến bay từ Tuy Hòa (Phú Yên) về Hà Nội ngày 9/2
Hơn nữa, doanh nghiệp du lịch cần lựa chọn điểm đến phù hợp, với các tiêu chí điểm đến mới, nơi không bị dịch bệnh hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút du khách du lịch nội địa. Theo ông Thắng, thậm chí ngay thời điểm này có thể khoanh vùng những nơi an toàn để đưa khách đến bình thường như: Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), Phú Yên,...
Tại TP.HCM, trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, Hiệp hội Du lịch TP.HCM cũng vừa tái khởi động ban chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu du lịch, chuẩn bị cho kế hoạch kích cầu lớn, giảm giá tour nhiều nhất có thể, tung ra ngay khi dịch Covid-19 kết thúc nhằm vực dậy thị trường.
Mới đây nhất, ngày 13/2, Hiệp hội này đã kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, trong đó có phương án miễn, giảm 50% thuế VAT, giảm 50% thuế thu nhập. Thời gian giảm thuế áp dụng cho cả năm 2020.
Với Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải cho biết: “Trong tháng 1, mặc dù khách Trung Quốc và Hàn Quốc tới Hà Nội giảm mạnh, nhưng khách Ấn Độ lại tăng tới 65%, khách châu Âu tăng 25%. Hà Nội dự định tung ra chương trình kích cầu nội địa thì gặp dịch, nhưng chúng tôi sẽ sớm đưa vào thực hiện chương trình này vì nội địa là thị trường rất quan trọng để giúp ngành hồi phục”.
Trao đổi với báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi. Du lịch trong nước phải có những gói sản phẩm hấp dẫn, cạnh tranh được với các sản phẩm du lịch nước ngoài mà các nước đang chào bán thông qua những đại lý của họ tại Việt Nam, tránh tình trạng người dân có xu hướng chọn đi du lịch nước ngoài.
Quảng bá, tìm kiếm thị trường thay thế
Đối với dòng khách quốc tế, ngành du lịch đang chú trọng tìm kiếm thị trường khách mới bù đắp cho thị trường Trung Quốc sụt giảm.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, lâu nay chúng ta quá lệ thuộc thị trường gần (như Trung Quốc) mà quên mất thị trường xa và bền vững. Chẳng hạn, Australia có 20 triệu dân, nhưng 400-500 ngàn người sang Việt Nam du lịch, nếu chúng ta tăng cường xúc tiến có thể nâng con số lên hàng triệu khách.
Vì thế, giải pháp đầu tiên để khôi phục hoạt động du lịch sau dịch là đẩy mạnh khai thác các thị trường lớn, trọng điểm, thị trường gần, có kết nối đường bay thuận tiện, đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc (với khoảng 4,2 triệu khách năm 2019), Nhật Bản (1 triệu khách), Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước ASEAN có tốc độ tăng trưởng nhanh như Thái Lan với 46%, Hoa Kỳ và Canada gần 9%; kết nối thị trường mới Ấn Độ,...
Bởi, chỉ riêng 4 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đã chiếm tới 65% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam (đạt 1,285 triệu trên tổng số 2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2020).
Sau khi đánh giá, xác định đúng thị trường trọng điểm, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung tiến hành quảng bá, xúc tiến đầu tư để bù đắp lượng khách hao hụt bởi dịch Covid-19. Dự kiến từ tháng 6, Tổng cục Du lịch sẽ triển khai tổ chức đồng bộ, có hiệu quả các sự kiện xúc tiến du lịch nhằm phục hồi các thị trường trọng điểm.
Để góp phần giúp các doanh nghiệp có thể phục hồi ngay thị trường của mình khi hết dịch, ngày 13/2, gần 100 doanh nghiệp đã tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển các thị trường riêng biệt, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào - Thái - Campuchia đường bộ, Mỹ - Canada, Australia và UAE - Ấn Độ. Đây đều là những thị trường mục tiêu trong kế hoạch tái du lịch.
Ngoài ra, một trong những giải pháp quan trọng khác được nhiều chuyên gia, DN lữ hành đề xuất là Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan... và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chính sách này sẽ giúp các doanh nghiệp mở được thị trường mới, trong bối cảnh các thị trường truyền thống bị đóng băng.
Ngày 15/2, ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết, tuy chưa có con số cụ thể nhưng ước tính sơ bộ hàng nghìn lao động trong ngành du lịch Khánh Hòa mất việc.
Ông Vinh nói "một trong 2 khách sạn do tôi làm chủ đã đóng cửa. Doanh thu hiện tại gần như là số không. Hai khách sạn tôi đầu tư có hơn 300 nhân viên nhưng tôi buộc phải cắt giảm một nửa. Tuy nhiên, có những vị trí đặc thù phải giữ lại mà gồng gánh trả lương, vì nếu sa thải họ sau này sẽ không tìm được người thay thế".
Theo ông Vinh, hầu hết các doanh nghiệp phải vay ngân hàng số tiền lớn để xây dựng khách sạn. Việc khách Trung Quốc giảm sâu như hiện nay sẽ không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng. "Nếu cứ tiếp tục kéo dài mà không có giải pháp căn cơ, thì có doanh nghiệp chỉ cầm cự thêm khoảng 3-4 tháng nữa rồi phá sản thôi" - ông Vinh.
Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa vừa họp và đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng áp dụng việc giãn nợ vốn vay, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch, khách sạn...
"Việc cơ cấu lại nguồn khách, trong đó tập trung vào khai thác khách nội địa và các dòng khác như Nga, Hàn Quốc... là điều phải làm nhưng cần một khoảng thời gian nhất định chứ không thể ngày một ngày hai" - ông Vinh chia sẻ.
Theo: Ng. Hà (Vietnam.net)